Bối cảnh Hưu chiến Lễ Giáng sinh

Trong 5 tháng đầu tiên của Chiến tranh thế giới thứ nhất, quân Đức khởi sự tấn công Bỉ rồi tiến sang Pháp nhưng bị lính Pháp và Anh đẩy lùi trong trận Marne bên ngoài Paris vào đầu tháng 9 năm 1914. Quân Đức rút lui về thung lũng Aisne để củng cố vị trí phòng thủ. Sau trận Aisne, quân Đồng minh bắt đầu tiến qua phòng tuyến Đức, cuộc chiến mau chóng rơi vào tình trạng bế tắc; không bên nào muốn mất đất nên gia tăng củng cố hệ thống chiến hào. Ở phía bắc, tức là cánh phải của quân Đức, không có chiến tuyến rõ ràng, nên cả hai bên vội vàng tận dụng khoảng trống để áp sát sườn bên địch. Quân Anh rút khỏi Arne, tiến lên phía bắc vào Flanders, cuộc chiến lại rơi vào thế giằng co. Trong tháng 11 hình thành một chiến tuyến kéo dài từ Bắc Hải đến biên giới Thụy Sĩ, binh lính trú đóng hai bên chiến tuyến củng cố vị trí phòng thủ của họ.[1]

Giao lưu

Giao lưu – những cuộc tiếp xúc hòa bình, đôi khi thân thiện, giữa hai phía thù địch – là điều thường xảy ra ở Mặt trận phía Tây. Trong một số khu vực, chỉ đơn giản là tình trạng thụ động, cả hai phía công khai tránh những hoạt động gây hấn, trong khi ở một số địa điểm, binh sĩ hai phía thường xuyên trò chuyện hoặc tìm đến chiến hào bên kia để thăm viếng nhau.[2]

Từ đầu tháng 11 đã có những cuộc hưu chiến giữa các đơn vị Anh và Đức. Khi trời sập tối, những người lính trao đổi khẩu phần ăn với nhau.[3] Ngày 1 tháng 12, một người lính Anh ghi lại cuộc viếng thăm thân hữu của một trung sĩ người Đức “để xem chúng tôi sống thể nào”.[4] Lúc đầu, mối quan hệ giữa các đơn vị Pháp và Đức căng thẳng hơn, nhưng dần dà sự hòa hoãn cũng lộ diện. Đến đầu tháng 12, một bác sĩ giải phẫu người Đức thuật lại cuộc hưu chiến kéo dài nửa giờ vào mỗi chiều để hai bên đem thi thể đồng đội về chôn cất, trong khi những người lính Pháp và Đức trao đổi nhau những tờ nhật báo.[5] Điều này gây khó chịu cho các sĩ quan chỉ huy; ngày 7 tháng 12, Charles de Gaulle viết về ý nguyện “thảm thương” của lính bộ binh Pháp muốn để kẻ thù sống yên ổn, trong khi tư lệnh quân đoàn 10, Victor d’Urbal, viết về “những hậu quả đáng tiếc” khi binh lính “trở nên thân thiện với những kẻ thù lân cận”.[5] Còn có những cuộc hưu chiến bất đắc dĩ khác xảy ra chỉ vì điều kiện thời tiết khắc nghiệt, đặc biệt là khi chiến hào của họ bị ngập lụt do ở vùng đất thấp,[5] dù tình trạng hòa hoãn này thường tiếp tục kéo dài mặc cho thời tiết tốt hơn.[6]

Khi có khoảng cách gần những người lính có thể kêu to chào hỏi nhau từ chiến hào của họ, đây là phương cách phổ biến nhất để họ dàn xếp những cuộc hưu chiến không chính thức trong năm 1914.[7] Họ chào hỏi và thông báo tin tức cho nhau, nhiều người lính Đức từng sống ở Anh, nhất là tại Luân Đôn, quen thuộc với ngôn ngữ và văn hóa Anh. Vài lính Anh thuật lại rằng người Đức hỏi họ về tin tức bóng đá, nói về thời tiết, hoặc kể về người yêu.[8] Một hiện tượng bất thường trở nên phổ biến là âm nhạc; trong những khu vực bình yên, nhiều đơn vị cùng ca hát với nhau khi chiều tối, đôi khi vui đùa và trêu chọc lẫn nhau. Đầu tháng 12, E.H.W. Hulse thuộc lực lượng Vệ binh Scotland viết rằng anh dự trù tổ chức một buổi hòa nhạc cho lễ Giáng sinh để “dành cho phía bên kia bài hát thể hiện tinh thần hòa hợp mà họ có thể cảm nhận được” nhằm đáp lễ nhiều lần họ hợp xướng ca khúc Deutschland Über Alles.[9]

Khi lễ Giáng sinh năm 1914 đến gần, 101 phụ nữ Anh gởi Thư Giáng sinh mở đến “Phụ nữ Đức và Áo” như là một thông điệp hòa bình.[10][11] Ngày 7 tháng 12 năm 1914, Giáo hoàng Biển Đức XV kêu gọi các bên tham chiến mở một cuộc ngừng bắn, “Hãy làm im tiếng súng để các thiên sứ hát vang trong đêm ấy”, và đã bị khước từ.[12][13][14]